Bình Dương chuẩn bị lộ trình khởi công đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 18.200 tỷ đồng.

Bình Dương chuẩn bị lộ trình khởi công đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 200km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.

Tổng chiều dài đoạn đi qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,85km. Điểm đầu của dự án tại vị trí cầu Thủ Biên (thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), điểm cuối tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc (xã An Tây, thị xã Bến Cát).

Theo thiết kế đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có vận tốc 100 km/h. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án Thành phần 1 (giải phóng mặt bằng) đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư và phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc.

Đối với dự án thành phần 2 (xây lắp), Tổng Công ty Becamex IDC đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây lắp, trình Hội đồng thẩm định cấp cơ sở thẩm định. Hiện Hội đồng thẩm định đang chuyển lấy ý kiến các thành viên hội đồng. Tổng Công ty Becamex IDC cũng đang có tờ trình Sở Giao thông vận tải để thẩm định các nội dung của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Theo lộ trình thực hiện, ngày 30/1, hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Ngày 5/2, trình phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt vào ngày 10/2.

Trong thời gian 2,5 tháng sẽ hoàn thành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Đến ngày 30/4/2024 sẽ ký hợp đồng thực hiện dự án và khởi công công trình. Theo dự kiến, dự án sẽ được hoàn thiện trong gần 3 năm, hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 30/12/2026.

Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng khi kết nối giữa Bình Dương với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ kết nối với các tuyến đường cao tốc và các tuyến quốc lộ để kết nối đến sân bay Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải.