Giáp TP.HCM và nhờ phát triển hạ tầng bài bản cùng quỹ đất công nghiệp đủ lớn, Bình Dương tiếp tục là địa điểm được nhiều “đại bàng” FDI lựa chọn trong xu hướng sản xuất xanh.
Từ phường Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức, TP.HCM) theo Quốc lộ 13 đến cầu Vĩnh Bình là địa phận Bình Dương. Đoạn Quốc lộ 13 ở phía Bình Dương mở rộng hơn, và đang tiếp tục được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Chạy song song Quốc lộ 13 là đường Mỹ Phước – Tân Vạn thênh thang và không có trạm thu phí, để tạo điều kiện cho xe container đi lại thuận lợi. Bắt đầu từ ngã 3 Tân Vạn, nơi giáp ranh giữa Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM, đường Mỹ Phước – Tân Vạn giúp kết nối dễ dàng hơn với Thành phố mới Bình Dương, nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh.
Cứ điểm sản xuất xanh của các đại bàng FDI danh tiếng
Khắp tỉnh, các con đường tạo lực kết nối khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ và các trung tâm logistics được xây dựng ngày càng nhiều. Bình Dương ngày càng có uy tín trên trường quốc tế.
Tháng 6/2023, Tổ chức Cộng đồng Thông minh Thế giới (Intelligent Community Forum – ICF, trụ sở tại New York, Mỹ) công bố Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp có tên trong Top 7 các cộng đồng thông minh toàn cầu của ICF.
Tỉnh đang thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.
Tháng 8 năm nay, tập đoàn A.P Moller Maersk Đan Mạch – nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp lớn nhất thế giới – đến tìm hiểu môi trường đầu tư, và cho biết muốn xây dựng một trung tâm logistics quy mô lớn phục vụ cho hoạt động lâu dài ở Bình Dương.
Hiện nay, tập đoàn đang sử dụng 5 cụm kho bãi, với tổng diện tích khoảng 151.000 m2 tại các khu vực logistics chiến lược của tỉnh.
Trong khi đó, tập đoàn đồ chơi Lego của Đan Mạch đang đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego trên thế giới đặt tại Bình Dương. Lego nhiều lần khẳng định họ chọn Việt Nam và Bình Dương cho dự án sản xuất xanh thế hệ mới, là do Việt Nam cam kết trung hòa carbon đến năm 2050.
Với quy mô nhà máy lên tới 44 ha, Lego đã chọn Khu công nghiệp VSIP III, nơi có tổng diện tích quy hoạch lên tới 1.000 ha trên địa bàn TP. Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Và liên doanh VSIP Group cũng cam kết cung cấp năng lượng tái tạo cho nhà máy, từ nguồn điện mặt trời tại chỗ để đáp ứng yêu cầu Net-zero của Lego.
Ngoài ra, VSIP Group và Lego đang trồng 50.000 cây xanh để bù đắp cho khoảng 25.000 cây bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy mới.
Theo Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương đã biến Lego thành doanh nghiệp Đan Mạch có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.
Cũng từ Đan Mạch, nhà sản xuất nữ trang lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán hàng, là Pandora, dự kiến khởi công xây dựng nhà máy với vốn đầu tư 100 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP III trong quý I/2024.
Tay nghề lên tiếng
Lego dự kiến nhà máy sẽ đi vào sản xuất nửa cuối năm 2024. Vì vậy, tập đoàn đã bắt đầu chuẩn bị nhân sự và lao động để vận hành nhà máy. Tập đoàn có kế hoạch tuyển 100 lao động trong giai đoạn cuối năm 2023, sau đó tăng lên 500 người trong năm 2024.
Ông Preben Elnef , Phó Chủ tịch tập đoàn Lego và Tổng Giám đốc Lego Việt Nam, cho biết tổng số lao động trực tiếp trong vòng 15 năm là 4.000 người. Ngoài ra còn có các công việc gián tiếp cho doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương.
Với Pandora thì khả năng đáp ứng số lượng lớn “nghệ nhân” của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng là yếu tố giúp “ông lớn” từ Copenhagen chọn nơi này để xây nhà máy thứ 3 trên toàn cầu, ngoài 2 nhà máy đang hoạt động ở Thái Lan. Được biết, doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng hơn 6.000 “nghệ nhân” cho nhà máy mới ở Bình Dương.
“Chúng tôi đã khảo sát nhiều nước trên thế giới trước khi chọn Việt Nam và Bình Dương cho dự án. Việt Nam có nghề chế tác trang sức lâu đời, nhờ đó chúng tôi sẽ có thể tìm đủ lượng nghệ nhân lớn như vậy”, Pandora cho biết.
Công ty cho biết công đoạn hoàn thành cho mọi sản phẩm là giai đoạn người lao động chế tác bằng tay. Ngoài ra, công suất của nhà máy ở Bình Dương sẽ là 60 triệu sản phẩm/năm, tức trung bình 5 triệu/tháng – con số đòi hỏi không ít công sức từ bàn tay của người thợ.
Theo thông tin mới nhất từ Pandora, dự kiến nhà máy sẽ khai trương sản xuất năm 2026. Như nhà máy của Lego, nhà máy của Pandora cũng sẽ sử dụng năng lượng là điện mặt trời được cung cấp tại chỗ từ VSIP III.
Ngoài những “sếu đầu đàn” Đan Mạch nói trên, cộng đồng doanh nghiệp thích xu hướng sản xuất xanh đến từ xứ sở của truyện cổ Andersen tại Bình Dương còn có những cái tên như Ecco Việt Nam (cung cấp các loại giầy thời trang cao cấp), nhà sản xuất đồ gỗ nổi tiếng Bắc Âu Scancom, và Arcon-Sunmark chuyên sản xuất tấm thu nhiệt mặt trời tạo ra nước nóng dùng trong khu công nghiệp.
Nguồn: https://thegioitiepthi.danviet.vn/binh-duong-co-gi-hap-dan-khien-lego-pandora-cung-nhieu-dai-bang-fdi-chon-lam-cu-diem-san-xuat-moi-20231024161804804.htm