TTĐT – Từ sau khi tái lập tỉnh (01/01/1997), bộ mặt kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp cơ bản hiện đại trong cả nước. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị cũng được quan tâm đầu tư, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng thông thoáng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sống, học tập và làm việc của người dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
1. Công nghiệp làm nền tảng đột phá
Từ năm 1997, kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, huy động được sức mạnh tổng hợp để phát triển. Nhờ vậy, từ năm 1997 đến nay, kinh tế Bình Dương luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định.
Nhìn lại năm 1997, Bình Dương có cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50,45% – 26,8% – 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45% nhưng lúc bấy giờ giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu đô la Mỹ gói gọn trong các ngành hàng công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ, thu ngân sách đạt 817 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 24%…
Đến nay, Bình Dương đã phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập. Cụ thể, đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 217.211 tỷ đồng, tăng gấp 54,6 lần so với năm 1997 (3.978 tỷ đồng), cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60% – 37,3% – 2,7% (giai đoạn 1997 – 2000 là 58,1% – 25,2% – 16,7%), tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%, tăng gần 4 lần. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng nhanh, năm 2010 đạt 30,1 triệu, cao gấp 1,9 lần so với trung bình cả nước, tăng gấp hơn 05 lần so năm 1997; năm 2016 GRDP bình quân đầu người ước đạt 108,6 triệu đồng, tăng gấp 18,7 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng).
Đạt đượ̣c kết quả như hôm nay là do trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắ́n với đô thị hóa. Nếu năm 1997, Bình Dương có 6 khu công nghiệp (KCN) tập trung ở hầu hết phía Nam với diện tích quy hoạch 800 ha thì đến nay, đã phát triển lên 28 KCN và 8 cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích trên 10.000 ha được phân bố trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ hạ tầng bảo đảm mà trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư hiệu quả với 25.170 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng số vốn là 187.000 tỷ đồng và 2.818 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 25,6 tỷ đô la Mỹ.
Sự hoàn thiện của hạ tầng các KCN ngày càng đưa tiếng vang của Bình Dương đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng để ưu tiên chọn lựa. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất với nhiều dự án tầm cỡ của nhiều tập đoàn lớn có tiếng trên thế giới như: Tokyu Nhật Bản đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ, Procter & Gamble (P&G) 157,2 triệu đô la Mỹ, Kumho 128,3 triệu đô la Mỹ, Tập đoàn SCG Siam Cement 140 triệu đô la Mỹ, Uni – President gần 104 triệu đô la Mỹ, Maruzen foods hơn 100 triệu đô la Mỹ, Mapletree 400 triệu đô la Mỹ,…
2. Đô thị đòn bẩy phát triển công nghiệp
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh xác định việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển phải vừa khẳng định được vị trí của một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vừa tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong chặng đường tiếp theo. Mục tiêu bao trùm của giai đoạn 2001-2016 là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao gắn với phát triển văn hóa – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh. Tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Quy hoạch, xây dựng định hướng phát triển tỉnh Bình Dương thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu đẹp.
Trên cơ sở đó, cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp thì việc phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà tỉnh ưu tiên hàng đầu. Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch làm kim chỉ nam phát triển, tỉnh đã triển khai lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, đô thị loại I trước năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh đã mạnh dạn thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài có uy tín để lập quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để có cơ sở đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Từ lợi thế về hạ tầng phát triển công nghiệp, tỉnh đã mạnh dạn triển khai thực hiện một loạt các dự án quan trọng như: Khu Liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị với tổng diện tích 4.196 ha, trong đó 1.000 ha trung tâm đô thị với Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương là hạt nhân; một số tuyến giao thông huyết mạch như: Đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Nguyễn Chí Thanh, đường Phạm Ngọc Thạch, đường ĐT746, đường 7A, các tuyến đường BOT trên địa bàn thị xã Tân Uyên… đã hình thành bộ khung nhằm thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhiều trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động như: Trung tâm Thương mại AEON Mall, Lotte Mart, Trung tâm Thương mại Becamex, Trung tâm Thương mại Big C Bình Dương, Big C Dĩ An, Coop Mart Bình Dương, Metro,… đã từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, từng bước nâng cao chất lượng các hình thức kinh doanh, mua sắ́m, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, qua 20 năm, dưới sự lãnh đạo và sự năng động trong điều hành của Đảng bộ, chính quyền, Bình Dương đã thật sự chuyển biến đột phá trong phát triển công nghiệp – đô thị. Mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và ngược lại, xây dựng và phát triển đô thị nhằm tạo ổn định xã hội để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắ́n bó lâu dài với tỉnh để góp phần phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế tỉnh Bình Dương nói chung đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Đây là nền tảng cơ bản và vững chắ́c để Bình Dương hướng đến việc trở thành một đô thị xanh, văn minh và hiện đại trong tương lai.