Thành phố mới Bình Dương sẵn sàng cho Hội nghị Đại hội đồng WTA

Tại Thành phố mới Bình Dương (TPM) trong những ngày đầu tháng 10, không khí nhộn nhịp hẳn lên khi công tác hậu cần đã hoàn tất để chuẩn bị đón 800 đại biểu từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến tham dự Hội nghị lần thứ 11 của Đại hội đồng Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới (WTA) tổ chức lần đầu ở Việt Nam.

Nền tảng để xây dựng thành phố thông minh

TPM là công trình nhằm mục tiêu phục vụ tiến trình phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh Bình Dương, là nơi có hạ tầng đô thị hiện đại tạo nền tảng để xây dựng thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương. Với quy hoạch chung gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm, TPM có không gian sống thân thiện, một môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi để tỉnh tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Bình Dương. Tại TPM, trên những tuyến đường từ sáu đến tám làn xe được xây dựng đồng bộ, kết nối thân thiện giữa công viên hồ nước trung tâm đến các phố thương mại, các khu văn hóa, giáo dục, thể thao, trung tâm hội nghị – triển lãm quốc tế, các ngân hàng, khách sạn… Ở đây, nhiều tập đoàn quốc tế, công ty công nghệ cao và các đơn vị giáo dục – đào tạo chọn lựa đầu tư và hoạt động, như: Khu công nghệ cao của Tập đoàn Mapletree Singapore, đại học Quốc tế Miền Đông, hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm, trường THPT chuyên Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế KinderWorld – Singapore. Nổi bật, Tập đoàn Tokyu nổi tiếng Nhật Bản đã hợp tác để triển khai dự án với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD nhằm phát triển đô thị, dịch vụ.

Điểm nhấn của TPM là Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh, là nơi đột phá trong công cuộc cải cách hành chính nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cho các hoạt động kinh tế, giao lưu quốc tế ở trình độ cao của tỉnh Bình Dương. Nơi đây đang thực hiện hiệu quả nền hành chính công thân thiện và toàn tâm toàn ý, tận tụy phục vụ nhân dân, đủ năng lực để đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn, thỏa mãn các yêu cầu hành chính của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh dễ dàng mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành TPTM Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, để xây dựng TPTM, tỉnh Bình Dương có nhiều thuận lợi, bên cạnh sự hỗ trợ rất nhiều từ bạn bè quốc tế thì tỉnh có một khu đô thị mới cùng cơ sở hạ tầng và trung tâm hành chính tập trung ở TPM. Nơi đây được quy hoạch rất bài bản trên 1.000 ha để xây dựng khu đô thị mới; đồng thời quy hoạch từ 5.000 đến 6.000 ha để xây dựng các KCN chung quanh. Đây là điều kiện khá tiên quyết và thuận lợi để xây dựng TPTM nhằm mục đích thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND giúp cuộc sống nhân dân Bình Dương ngày càng tốt hơn.

Sẵn sàng cho Hội nghị Đại hội đồng WTA

Diễn ra tại TPM Bình Dương từ ngày 10 đến 13-10, Hội nghị lần thứ 11 của Đại hội đồng WTA do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới (WTA) và TP Daejeon (Hàn Quốc) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập WTA nhằm chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các đô thị khoa học bền vững và quản trị các thành phố khoa học trên thế giới, giúp các địa phương tiếp cận các công nghệ tiên tiến để xây dựng và phát triển, nâng cao năng lực quản trị, trình độ khoa học công nghệ, góp phần phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Ban tổ chức, Hội nghị với chủ đề “TPTM – Động lực đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững” bao gồm các sự kiện, như: Phiên họp Đại hội đồng WTA lần thứ 11 nhằm xây dựng tầm nhìn mới trong thập kỷ tới và đề xuất sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế cho sự tăng trưởng khu vực bền vững dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới. Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 với chủ đề “Hướng đến một thành phố sống tốt hơn: TPTM” sẽ thảo luận những vấn đề chiến lược và chính sách về cách vận hành, hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố như một công cụ quan trọng để phát triển bền vững cũng như đưa ra các đề xuất hướng phát triển tương lai. Hội chợ công nghệ cao WTA lần thứ 15 với chủ đề “Công nghệ mới cho phát triển TPTM” nhằm cung cấp một nền tảng năng động và có tính tương tác cao giữa những công ty, các trường đại học và các viện nghiên cứu của các thành phố thành viên WTA thông qua hợp tác quốc tế và trao đổi các sản phẩm và công nghệ tiên tiến.

Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra chung kết cuộc thi “Sáng kiến xây dựng TPTM – Bình Dương năm 2018” được tổ chức tại trường đại học Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) và TP Daejeon (Hàn Quốc). Cuộc thi nhằm tìm kiếm, hỗ trợ và tạo môi trường phát triển các ý tưởng sáng tạo từ học sinh, sinh viên về xây dựng và phát triển đô thị thông minh trong cộng đồng nhằm hiện thực hóa kế hoạch phát triển TPTM, góp phần đổi mới và cải thiện chất lượng cuộc sống, mang lại tiện ích cho người dân.

Hội nghị còn có Diễn đàn thị trưởng WTA lần thứ 16 với chủ đề “Các chủ đề chính trong phát triển TPTM và chia sẻ kinh nghiệm”, là nơi các nhà lãnh đạo của chính quyền địa phương và khu vực chia sẻ những chiến lược và chính sách phát triển khoa học kỹ thuật dựa trên những đột phá trong khu vực, phát triển công nghiệp và đô thị cũng như thảo luận tìm ra các giải pháp cùng nhau xử lý các vấn đề đang đối mặt. Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học WTA lần thứ 10 với chủ đề “Chiến lược hợp tác giữa các trường đại học và chính quyền thành phố vì sự thịnh vượng chung” nhằm thảo luận tích cực về vai trò của các trường đại học như một trong những nhân tố cốt lõi của hệ sinh thái đổi mới khu vực.

Ông Lee Taek Ku, Phó Thị trưởng TP Daejeon cho biết: Thông qua hội nghị lần này sẽ quảng bá hơn nữa về vai trò của WTA và từ đó số hội viên của WTA cũng như hiệu quả trong vấn đề kết nối sẽ tăng lên. Về phía Bình Dương, tỉnh với quyết tâm rất lớn và chúng tôi sẽ hợp tác với tỉnh để thực hiện đúng kế hoạch. Sau chương trình, chúng tôi tiếp tục bàn thêm các giải pháp, kế hoạch và các dự án để phát triển Bình Dương thành đúng trung tâm đổi mới công nghệ và đô thị thông minh. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình này, tôi nghĩ rằng Bình Dương sẽ tìm các giải pháp, là cơ hội tốt để tỉnh có đầy đủ các thông tin, có cách tiếp cận và đặc biệt có thể học hỏi một số các đô thị có vấn đề tương tự như vậy. Khi có chương trình này thì việc giải quyết vấn đề của Bình Dương không còn đơn thuần chỉ của tỉnh nữa, mà có thể là một sự hợp tác quốc tế để từ đó đưa ra các tư duy, cũng như là cách giải quyết phù hợp, là đầu mối quan trọng để giúp tỉnh Bình Dương thực hiện tốt việc xây dựng TPTM.

Thành phố thông minh giúp cuộc sống người dân tốt hơn

Ông Mai Hùng Dũng (bên phải) tại họp báo về Hội nghị lần thứ 11 của Đại hội đồng WTA.

Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành TPTM Bình Dương Mai Hùng Dũng tại buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị lần thứ 11 của Đại hội đồng WTA.
– Triển khai xây dựng TPTM, đến nay tỉnh Bình Dương đã thực hiện được gì?
– Ông Mai Hùng Dũng: Triển khai xây dựng Đề án TPTM gần hai năm, chúng tôi đặt ra kế hoạch cụ thể đến năm 2021. Ban đầu chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ của WTA để xây dựng về mặt tổ chức Ban chỉ đạo, Hội đồng cố vấn và Ban điều hành, rồi định hướng các dự án cụ thể để xây dựng trong thời gian tới. Năm 2018 này, tỉnh Bình Dương xây dựng theo kế hoạch, như: xây dựng các tuyến đường thông minh, đầu tư những hệ thống chiếu sáng thông minh và quản lý giao thông trên tuyến này một cách thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu về mặt môi trường để công bố rộng rãi cho người dân Bình Dương biết, lập các đề án để xây dựng khu công nghiệp thông minh….
– Người dân tham gia và thụ hưởng từ việc xây dựng TPTM như thế nào?
– Ông Mai Hùng Dũng: Mục tiêu xây dựng TPTM là phục vụ cho người dân. Chúng tôi xây dựng TPTM cũng là mục tiêu để cho người dân tham gia với Nhà nước, doanh nghiệp cùng làm, có cả nhà trường hướng dẫn và hỗ trợ để thực hiện tốt việc xây dựng TPTM. Chính vì vậy, người dân vừa là bên tham gia với Nhà nước để xây dựng TPTM, vừa là người được thụ hưởng chính trong xây dựng TPTM.
– Sự cộng hưởng của mô hình “ba Nhà” trong xây dựng TPTM ở Bình Dương?
– Ông Mai Hùng Dũng: Để phối hợp “ba Nhà”, gồm: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp có được một cơ chế phối hợp cụ thể, chặt chẽ rõ ràng, chúng tôi đã đề ra một Hội đồng cố vấn “ba Nhà”, để tập hợp những ý tưởng nhằm khi có vấn đề phát sinh thì phải có hội đồng này giải quyết; trong đó nhà trường giải quyết về mặt kỹ thuật thế nào, doanh nghiệp hỗ trợ Nhà nước về mặt công nghệ thế nào, Nhà nước đề ra chính sách thế nào để thực hiện những mục tiêu đề ra. Đó là mô hình “ba Nhà” mà chúng tôi hướng tới.
– Để xây dựng TPTM, tỉnh Bình Dương sử dụng nguồn lực nào thực hiện?
– Ông Mai Hùng Dũng: Chúng tôi đang sử dụng nguồn lực một cách thông minh. Tức là, trong khi nguồn lực Nhà nước có hạn, tìm giải pháp để huy động được nguồn lực xã hội, huy động nhiều người, nhiều thành phần tham gia trong xây dựng TPTM chứ không phải tất mọi việc đều từ nguồn vốn của ngân sách. Chúng ta muốn rằng bỏ ra một đồng vốn đầu tư công để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư xã hội thì mới xây dựng tốt được TPTM.

 

                                                                                                                              TRỌNG MINH