Bình Dương nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Chỉ số phát triển công nghiệp, GRDP, giải ngân đầu tư công, phát triển đô thị thông minh của Bình Dương đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch 2023.

Tỉnh Bình Dương vừa họp đánh giá kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2023. Lãnh đạo tỉnh dự báo cả năm 2023 có ít nhất 23 trên 35 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6%. GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng (kế hoạch là 177 triệu đồng), 37/38 xã đạt chuẩn giao thông nông thôn mới theo kế hoạch…Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 305.119 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Lãnh đạo Bình Dương tham gia buổi họp bàn về kinh tế, xã hội, ngày 15/11. Ảnh: Báo Bình Dương

Lãnh đạo Bình Dương tham gia buổi họp bàn về kinh tế, xã hội, ngày 15/11. Ảnh: Báo Bình Dương

So với năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 164.000 tỷ đồng, tăng 11%. Vốn đầu tư công được tỉnh cơ cấu lại, ưu tiên các dự án trọng điểm. không dàn trải. Đến đầu tháng 11, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 12.367 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch Chính phủ giao.

Địa phương Đông Nam bộ vẫn xem công nghiệp là lĩnh vực chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,5% so với năm 2022. Trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tỉnh triển khai chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu nên giá cả không có biến động lớn.

Cùng với các chỉ tiêu kinh tế, đề án thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được tổ chức quốc tế là ICF vinh danh top 1 cộng đồng thông minh tiêu biểu năm 2023.

Doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử tại Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Dương

Doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử tại Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Dương

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh cũng xác định các khó khăn, trong đó, việc các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng khiến sản xuất chưa bùng nổ như kỳ vọng. Nhiều ngành hàng phải thu hẹp quy mô. Kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022, nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, giảm 7%.

Để thúc đẩy tăng trưởng, thủ phủ công nghiệp đặt ra nhiều mục tiêu trong năm sau. Trong đó, tỉnh tập trung vào chuyển đổi số và hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Tỉnh muốn thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng, đô thị, dịch vụ, lập thành phố thứ 5 là Bến Cát, đưa Bình Dương thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Mục tiêu của địa phương là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8 – 8,3% so với năm 2023.

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng dự báo kinh tế 2024 còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nên thống nhất sẽ ưu tiên đầu tư cho những việc cấp bách, dự án trọng điểm. Lãnh đạo địa phương cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù cho một số ngành, lĩnh vực để tạo động lực phát triển bền vững, có cơ chế bảo vệ công chức, cán bộ dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, tỉnh này sẽ đẩy mạnh trấn áp tội phạm, đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy.